Thế nhưng, theo các nghiên cứu từ góc độ khoa học thần kinh, tâm lý và kinh tế học hành vi thì con người hầu như không hợp lý như chúng ta vẫn nghĩ. Thay vào đó, ta bị thôi thúc bởi những ảnh hưởng vô thức và mơ hồ có nguồn gốc từ “quá khứ xa xôi”.
Trong quyển sách mới phát hành Brand Seduction: How Neuroscience Can Help Marketers Build Memorable Brands (Sức hấp dẫn thương hiệu: Làm cách nào để khoa học thần kinh có thể giúp các nhà tiếp thị xây dựng các thương hiệu đáng nhớ), tác giả Daryl Weber – một nhà tư vấn thương hiệu có ảnh hưởng với một số thương hiệu lớn nhất thế giới đã đào sâu vào thế giới tâm trí của người tiêu dùng. Sau đây là một vài gợi ý mà các nhà khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp có thể ứng dụng từ tư duy của Daryl Weber.
1. Mọi thứ mà bạn làm đều là làm thương hiệu
Đối với những ai mới bắt đầu làm quen với việc xây dựng thương hiệu, cần nhận ra rằng thương hiệu của bạn xa, rộng hơn nhiều so với chiếc logo. Theo Weber, một thương hiệu là “tập hợp những liên tưởng trong tâm trí, cả ý thức và vô thức”.
Những liên tưởng có ý thức có thể bao gồm sản phẩm hay dịch vụ của bạn, chức năng của sản phẩm, giá và tên sản phẩm, các mẫu quảng cáo và tiếp thị. Khía cạnh vô thức chính là cảm xúc ẩn bên dưới được kết nối với thương hiệu.
Cảm xúc này được bồi đắp theo thời gian từ tất cả những tương tác mà mọi người có được với thương hiệu của bạn, với nơi mà họ nhìn thấy thương hiệu, với người sử dụng hoặc đại diện cho thương hiệu, với màu sắc và cảm xúc mà tên thương hiệu mang lại. Điều này có nghĩa là mọi khía cạnh của doanh nghiệp mà người tiêu dùng tiếp xúc, từ cách phân phối, bán hàng cho đến văn hóa doanh nghiệp và con người sẽ ảnh hưởng đến trực giác và quyết định vô thức về thương hiệu của bạn.
2. Xây dựng “thế giới tưởng tượng” cho thương hiệu của bạn
Weber miêu tả trực giác vô thức về một thương hiệu giống như “thế giới tưởng tượng” độc đáo của riêng nó. Đó là tập hợp những liên tưởng về thương hiệu hình thành nên một “trực cảm” trong tâm trí người tiêu dùng và có thể ảnh hưởng đến việc họ chọn mua sản phẩm của bạn hay của đối thủ cạnh tranh.
Weber gợi ý nên đào sâu vào cảm xúc, cá tính và thậm chí là “linh hồn” của thương hiệu và sau đó thổi bùng chúng ra thông qua hình ảnh… để định nghĩa “thế giới tưởng tượng” mà bạn muốn người tiêu dùng cảm nhận.
3. Cách bạn nói có thể quan trọng hơn điều bạn nói
Là chủ doanh nghiệp, chúng ta cần phải nói được tại sao sản phẩm và thương hiệu của chúng ta tốt hơn của đối thủ cạnh tranh. Chúng ta chào mời những lợi ích và chức năng của sản phẩm qua kênh tiếp thị và PR. Dĩ nhiên, đây là điều quan trọng nhưng cách chúng ta nói lên thông điệp còn quan trọng hơn.
Trong Brand Seduction, Weber miêu tả cách mà “giọng điệu” và cá tính của tiếp thị tạo nên sự khác biệt lớn về cách nhìn của người tiêu dùng đối với thương hiệu của bạn. Các yếu tố thiết kế như màu sắc, kiểu chữ, nét mặt của một người mẫu, âm nhạc và nhiều yếu tố khác có tác động mạnh đối với cách nhìn về thương hiệu.
Những yếu tố này có thể làm thương hiệu của bạn được cảm nhận là hiện đại hơn, cao cấp hơn, hào nhoáng hơn, ấm áp hơn hay thậm chí là hoài niệm hơn – tất cả phụ thuộc vào ý muốn của bạn. Thậm chí một tờ giấy trắng cũng nói lên điều gì đó. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang bồi đắp cho thương hiệu của mình bằng những cảm xúc mà bạn muốn qua mọi thông điệp.
4. Đừng nghe theo “lời của người tiêu dùng”
Chính vì những liên tưởng vô thức này, các kết quả nghiên cứu thị trường có thể chỉ kể với bạn một nửa câu chuyện. Khi chúng ta thực hiện các cuộc khảo sát, phỏng vấn, khảo sát nhỏ, chúng ta chỉ tập trung vào những phản ứng và lời giải thích có ý thức về sản phẩm và thương hiệu. Dữ liệu này có thể có giá trị nhưng thường thì chúng bỏ qua khía cạnh vô thức cũng rất quan trọng của các thương hiệu.
Hãy chắc chắn rằng bạn lắng nghe nguồn năng lượng và cảm xúc phía sau lời nói của khách hàng. Hãy quan sát những ẩn ý qua ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu cũng như bối cảnh rộng hơn trong cuộc sống của họ để hiểu được tại sao họ đang nói điều đó. Bằng cách này, bạn sẽ có được bức tranh phong phú hơn về cảm xúc thật của khách hàng.
Theo DNSG