4 sai lầm tài chính khiến con đường thành công khó khăn hơn

Khi được hỏi làm thế nào để trở nên giàu có, làm thế nào để có thể sớm nghỉ hưu và làm thế nào tạo ra cho mình một nền tảng tài chính vững chắc, tỷ phú Kevin O’Leary – doanh nhân, nhà đầu tư, giám khảo chương trình truyền hình, tác giả sách, người từng tạo ra thương vụ kỷ lục năm 1999 khi bán công ty phần mềm The Learning Company do ông sáng lập cho Matel với giá 3,65 tỷ USD – luôn luôn chỉ có một câu trả lời duy nhất, một công thức đơn giản: “Đừng chi tiêu quá nhiều. Tiết kiệm. Luôn luôn đầu tư sáng suốt”.


Ảnh minh họa
Gắn với công thức này, Kevin O’Leary cũng chỉ ra 4 sai lầm trên con đường làm giàu mà ông thấy mọi người thường xuyên mắc phải, những sai lầm khiến họ khó áp dụng được công thức tưởng như rất đơn giản của ông.

Sai lầm 1: Mua những thứ không dùng tới

“Không chỉ với phụ nữ, cả đàn ông cũng thường xuyên mua nhiều hơn những gì họ thật sự cần”. Kevin O’Leary khuyên bạn đừng bao giờ dùng việc mua sắm như một cách để giải tỏa căng thẳng hay hy vọng chúng có thể thay đổi tâm trạng của bạn.

Tương tự như một liều thuốc giảm đau mạnh, việc này sẽ chỉ giúp làm giảm cơn đau đầu trong ngắn hạn.

Giải pháp: Đầu tư thông minh

Hãy luôn là một nhà đầu tư sáng suốt, kể cả trong những quyết định mua sắm. Nếu đó là quần áo, hãy chọn mua những bộ quần áo, những sản phẩm tốt, có giá trị lâu dài, không bị lỗi “mốt” quá nhanh. Việc này, theo Kevin O’Leary, vừa giúp bạn tiết kiệm tiền bạc, vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian cho việc mua sắm và cho những quyết định chọn quần áo hằng ngày.

“Tôi mặc một kiểu đồ giống hệt nhau mỗi ngày, bởi tôi có tới hai mươi mẫu đồ như vậy và tôi chẳng phải lo lắng gì cho phong cách thời trang của mình”, ông cho biết.

Sai lầm 2: Không hiểu biết gì về tiền bạc của mình

Quan điểm của Kevin O’Leary trong vấn đề tài chính cá nhân là, hãy xem tiền bạc như những người lính, còn bạn chính là người chỉ huy. Sẽ chẳng có gì tồi tệ hơn khi người chỉ huy không hiểu gì về những người lính của mình, để rồi sẽ liên tục mắc những sai lầm, khiến người lính bỏ mạng hoặc bị bắt làm tù binh.

Dù bạn là người độc thân hay đã có gia đình, nếu muốn có được sự tự do tài chính vững bền, ít nhất bạn phải biết được đâu là chi phí bạn phải chi trả và đâu là khoản thu nhập chính để giữ sự tồn tại cho mình trong ba mươi ngày đã qua và ba mươi ngày sắp tới.

Giải pháp: Hãy viết ra

Hãy viết ra tất cả mọi thứ, tất cả những thói quen chi tiêu và thu nhập của bạn. Liệt kê những khoản thu nhập và tìm cách tăng nó lên. Hãy nắm bắt thật kỹ các khoản chi tiêu, chi tiết đến từng đồng.

Sai lầm 3: Chi tiêu nhiều hơn những gì bạn có

Chi tiêu nhiều hơn những gì bạn kiếm được sẽ khiến tình hình tài chính của bạn gặp rủi ro lớn và trước sau gì bạn cũng phải dính dáng đến nợ.

Khi điều hành quỹ đầu tư tài chính O’Leary Funds, quỹ đầu tư do chính Kevin O’Leary sáng lập, ông luôn hướng dẫn nhân viên của ông đầu tư dựa trên một nền tảng cơ bản mà ông học được từ mẹ mình khi còn nhỏ, đó là chỉ chi tiêu tiền lãi, không bao giờ được đụng đến tiền dự trữ.

Giải pháp: Hãy kỷ luật

Thứ duy nhất giúp cho bạn có thói quen chi tiêu ít đi và tiết kiệm nhiều hơn là sự kỷ luật. Hãy tìm ra nguyên nhân của các khoản bội chi hằng tháng, những khoản tiền tốn kém và tìm cách xóa bỏ chúng trong thói quen hằng ngày của mình. Hãy trả hết những khoản nợ, sau đó đừng để chúng xuất hiện lại trong danh mục tài chính cá nhân của bạn.

Sai lầm 4: Đầu tư cho những ý tưởng tồi

Theo Kevin O’Leary, tiền đầu tư thường xuyên đi vào ngõ cụt bởi những ý tưởng tồi. Trên Shark Tank – chương trình truyền hình về đầu tư mà Kevin O’Leary hiện đang là giám khảo, ông thường xuyên bắt gặp những doanh nhân vô cùng đam mê với những ý tưởng của họ, nhưng họ không nhận ra rằng ý tưởng đó lại không thể bán hoặc không khả thi khi triển khai trong thực tế, để rồi sau đó phải trả giá cho những sai lầm đầu tư này.

Giải pháp: Hãy biết thừa nhận thất bại

Không có ai luôn luôn đúng, hãy biết thừa nhận thất bại, dừng lại đúng lúc và học cách đầu tư khôn ngoan hơn, sáng suốt hơn. Hãy học cách lắng nghe và tách biệt giữa lý trí và cảm xúc.

Trước kia Kevin O’Leary từng rất đam mê với ý tưởng trở thành nhà nhiếp ảnh, nhưng giấc mơ này đã sớm tan biến khi cha ông nói với ông rằng “con không đủ giỏi”. Sau đó Kevin cũng nhận ra rằng ông không sẵn lòng để trở thành một nghệ sĩ “đói” mà đầu tư toàn bộ tiền bạc và công sức vào những bức ảnh lúc ấy vẫn không thể bán được. Ông đã chấp nhận sai lầm này, đặt ý tưởng nhiếp ảnh lại phía sau, quyết định theo đuổi nghiệp kinh doanh và trở thành tỷ phú như ngày nay.

Theo DNSGCT