Yếu tố con người là cực kì quan trọng đối với mọi công ty. Tuy nhiên, nghịch lý ở Việt Nam, nhất là ở các công ty vừa và nhỏ, là các lãnh đạo luôn đòi hỏi tuyển dụng được nhân tài với chi phí “hạt tiêu”.
1. Không nhất thiết phải tốn nhiều chi phí để tuyển gấp
Tuy nhiên, cũng có những cách khác để giảm áp lực chi phí trong những trường hợp này. Hãy đề nghị nới rộng thời gian tuyển dụng ra, và sắp xếp lại nội bộ nhân sự tạm thời để lấp vào vị trí đang trống cho đến khi tuyển được người tốt nhất cho vị trí đó. Ngoài ra, việc kêu gọi nhân viên trong công ty giới thiệu nười họ quen biết cũng có thể đem lại những ứng viên phù hợp đến bất ngờ. Mấu chốt ở đây là thúc đẩy mọi phòng ban cùng giải quyết vấn đề về nhân sự này, thay vì phòng tuyển dụng phải một mình gánh chịu.
2. Sử dụng sức mạnh thương hiệu đúng cách
Nếu công ty bạn đã có thương hiệu khá “bắt tai bắt mắt” trên thị trường, thì thay vì dàn trải ngân sách tuyển dụng ở nhiều kênh khác nhau, hãy tập trung vào một kênh mạnh nhất, một trang web việc làm có lượng ứng viên phù hợp nhiều nhất để đầu tư ngân sách. Nhiều khả năng các ứng viên ở kênh khác cũng đã có sẵn trong danh sách ứng viên tại kênh tối ưu mà bạn chọn.
Nếu thương hiệu của công ty bạn còn yếu, thì hãy chọn cách “tấn công” ở nhiều kênh. Tuy nhiên điều đặc biệt cần ghi nhớ là thông điệp và hình ảnh quảng cáo tuyển dụng ở tất cả các kênh này phải tương đồng với nhau thì mới gây ảnh hưởng truyền thông như mong muốn với ứng viên. Ngày nay, các công ty tuyển dụng cũng đã cung cấp các dịch vụ truyền thông – tuyển dụng như vậy, nên nếu bộ phận tuyển dụng của bạn không có sự hậu thuẫn từ một đội ngũ marketing chuyên nghiệp thì tốt hơn hết là hãy sử dụng các gói dịch vụ trọn gói này để đảm bảo truyền thông đúng cách.
3. Tránh “lạm phát” chức vụ
Vì sao một vị trí đã tiêu tốn rất nhiều chi phí để quảng cáo tuyển dụng nhưng vẫn chưa thu được nhiều hồ sơ ứng tuyển, cho dù vị trí đó yêu cầu không quá cao? Có thể bạn đang rơi vào cái bẫy “lạm phát” chức vụ. Điều này thường xảy ra ở những công ty có quy mô nhỏ. Ví dụ bạn đang đi tìm một người có khả năng giám sát công việc marketing của công ty, thì thay vì chỉ cần tuyển Marketing Supervisor, thì công ty bạn lại quyết định tuyển Marketing Manager. Chỉ cần chức vụ tăng lên một bậc thì lượng ứng viên tiềm năng của bạn cũng đã giảm đi khá nhiều, trong khi nhu cầu về nhân sự của bạn chưa đến mức phải tuyển Marketing Manager.
Thêm nữa, khi tuyển với chức vụ cao hơn nhu cầu thực sự, công ty bạn sẽ phải đầu tư một khoản tiền lớn hơn vào việc tuyển dụng. Hãy cân nhắc thật kĩ và thảo luận với giám đốc để đảm bảo bạn không đang lãng phí ngân sách tuyển dụng.
4. Đừng đổ tất cả ngân sách vào tuyển dụng
Giả sử bạn phải tuyển một loạt nhân viên có kinh nghiệm trong 6 tháng tới. Do yêu cầu phải có kinh nghiệm, nên chi phí quảng cáo tuyển dụng cũng tăng theo. Thế nhưng, hãy tự hỏi: liệu bạn có nên dùng toàn bộ ngân sách tuyển dụng vào việc quảng cáo tuyển dụng không? Tại sao không tuyển người chưa có kinh nghiệm với chi phí quảng cáo tuyển dụng thấp hơn, thu được nhiều hồ sơ hơn. Sau đó, dùng phần ngân sách còn lại để tạo nên những chương trình đào tạo giúp các nhân viên này hòa nhập và mang lại giá trị cho công ty như một người có kinh nghiệm?
Nếu quá khó khăn hay đắt đỏ để tìm kiếm nhân sự cho một vị trí nào đó, hãy nghĩ tới việc tuyển cho vị trí thấp hơn một bậc và đầu tư vào kế hoạch phát triển nhân viên này lên vị trí mà ban đầu bạn muốn tuyển dụng.
5. Kế hoạch nuôi dưỡng đội ngũ kế thừa từ nội bộ
Nguồn ứng viên tiềm năng nhất không ở đâu xa mà lại chính là những nhân viên hiện tại của công ty bạn. Nếu bạn có một kế hoạch phát triển nhân viên chi tiết, thì việc tuyển dụng chỉ dành cho những vị trí mới hay những vị trí cấp thấp nhất. Còn lại các vị trí cấp trung và cấp cao trong công ty hoàn toàn có thể được lấp đầy bởi sự thăng tiến của những nhân viên hiện tại. Khi đó, chi phí tuyển dụng của bạn sẽ giảm đáng kể.
Để làm được điều này, về mặt ngân sách, bạn nên đầu tư thêm cho mảng đào tạo nội bộ, và hãy đặt ra chỉ tiêu thăng tiến cho mỗi phòng ban phù hợp với ngân sách lương và cấu trúc công ty, nhằm thúc đẩy các nhân viên cấp thấp vươn lên đảm nhận những vị trí cao hơn.
Theo Hrinsider