6 hành vi các nhà tuyển dụng nên tránh

Nhân tài sẽ chỉ chọn những nhà tuyển dụng xứng đáng với họ. Nếu bạn thể hiện mình là một nhà tuyển dụng tồi qua 6 hành vi sau, ứng viên tốt sẽ rời bỏ bạn.


Ảnh minh họa

Nhân tài sẽ chỉ chọn những nhà tuyển dụng xứng đáng với họ. Nếu bạn thể hiện mình là một nhà tuyển dụng tồi, ứng viên tốt sẽ rời bỏ bạn. Qua nhiều lần trực tiếp tuyển dụng cũng như chính mình ứng tuyển ở các công ty khác, tôi rút ra được 6 hành vi các nhà tuyển dụng cần tuyệt đối tránh xa nếu muốn ứng viên trân trọng công ty mình.
 
Tỏ ra ban phát cơ hội

Người ta thường hay dùng từ “xin việc” khi nói về người tìm việc, nhưng thời nay tư duy đó đã lỗi thời. Mỗi nhân viên đều là tài sản quý của công ty trong thời buổi thị trường tuyển dụng cạnh tranh. Do đó, đừng đối xử với ứng viên như thể họ đang cầu xin bạn cho họ một công việc. Hãy xem ứng viên như một đối tác tiềm năng, và đối xử với họ một cách tôn trọng giống như thế.
 
Sử dụng “stress test” một cách vô tội vạ

Stress test là một phương pháp phỏng vấn đặc biệt, gây áp lực tâm lý lên ứng viên để buộc họ bộc lộ các kĩ năng giải quyết vấn đề và cách đối diện với khó khăn. Tuy nhiên, đừng dùng stress test một cách quá tự do, vì phương pháp này chỉ nên dùng khi tuyển các vị trí thực sự cần đối phó với áp lực thường xuyên. Sau khi “stress test”, luôn giải thích rằng bạn đã cố ý làm thế để thử họ vì đó là yêu cầu của vị trí bạn đang tuyển. Stress test làm sai cách có thể khiến ứng viên cảm thấy ấm ức, bị “đàn áp” và để lại ấn tượng rất xấu về nhà tuyển dụng.
 
Không thống nhất trong nội bộ trước khi tiếp xúc ứng viên

Tôi đã gặp trường hợp trưởng phòng ban muốn tuyển người và nhân viên tuyển dụng nội bộ cãi nhau trước mặt ứng viên về kì vọng của họ dành cho ứng viên. Trước khi giao công việc tuyển dụng cho phòng nhân sự, các trưởng phòng ban hãy đảm bảo thống nhất trong nội bộ về những yêu cầu cho vị trí cần tuyển. Đừng đợi đến khi gặp ứng viên mà phòng nhân sự giới thiệu mới vỡ lẽ là hai bên không tìm kiếm đối tượng giống nhau.
 
Thiếu sự tôn nghiêm

Hành vi này thường thấy ở các công ty nhỏ, công ty gia đình hoặc ở các công ty mới phát triển, văn hóa doanh nghiệp còn khá xuề xòa. Tôi đã từng đi phỏng vấn ở một công ty mà vị sếp phỏng vấn tôi mặc áo thun và đi dép kẹp. Ngay từ khi thấy hình ảnh đó là tôi đã mất đi toàn bộ động lực cho cuộc phỏng vấn, và cuối cùng tôi chỉ trả lời ậm ừ cho qua và đi về sớm.
 
Thổi phồng mức lương quá đáng trong quảng cáo tuyển dụng

Các công ty thường nghĩ rằng, quảng cáo tuyển dụng với mức lương cao thì sẽ thu hút được nhiều ứng viên. Điều đó đúng một phần, nhưng hãy nhớ rằng nếu mức lương bạn quảng cáo không đúng với mức bạn dự định chi trả thì mọi nỗ lực của bạn sẽ biết mất khi đến vòng đàm phán lương. Bạn tôi đi phỏng vấn ở một công ty với hứa hẹn mức lương rất cao, nhưng đến lúc đàm phán lương thì họ lại thông báo rằng mức lương đó chỉ đạt được khi nhân viên vượt chỉ tiêu 50%. Tất nhiên là bạn tôi đã cảm thấy như mình bị lừa và từ chối công ty đó.
 
Vẽ ra bức tranh viễn tưởng về công ty

Thổi phồng mức lương chỉ là một phần nhỏ trong các sai lầm về marketing tuyển dụng. Nhiều ứng viên than phiền rằng những điều được vẽ ra trong tin tuyển dụng hoàn toàn không giống với sự thật họ thấy được khi đến các công ty phỏng vấn. Điều này khiến ứng viên cảm thấy hụt hẫng và mất niềm tin vào công ty. Từ những vấn đề cơ sở vật chất như độ hoành tráng của văn phòng cho đến vấn đề văn hóa, con người như cách đón tiếp của tiếp tân, phong thái làm việc của nhân viên tại công ty, tất cả đều có thể là yếu tố ảnh hưởng đến sự đánh giá của ứng viên về công ty. Tất nhiên, marketing cho vị trí tuyển dụng là việc nên làm, nhưng hãy đảm bảo rằng bạn đang tiếp thị một hình ảnh đẹp và đúng đắn chứ không phải là một bức tranh hoàn hảo và viễn tưởng về công ty.

Theo Hrinsider