IoT – Bài toán mới cho giới nhân sự

Cứ có một đợt sóng mới về tiến bộ trong công nghệ thông tin thì giới nhân sự lại có thêm một vấn đề phải giải quyết.


Ảnh minh họa
Khi laptop trở nên phổ biến, giới nhân sự phải lập nội quy cho nhân viên sử dụng laptop nơi công sở; rồi đến internet, phải ban hành nội quy sử dụng internet ở văn phòng. Sau này, khi máy tính bảng và điện thoại thông minh tràn lan thì một câu hỏi khá đau đầu xuất hiện: Máy tính bảng và điện thoại thông minh là thiết bị cá nhân hay là thiết bị công tác của nhân viên? Đâu là ranh giới giữa việc kiểm soát sử dụng các thiết bị này ở nơi làm việc? Rồi thì mọi ứng dụng tiến bộ đi theo công nghệ thông tin khi xuất hiện đến nay đều đã được giới nhân sự có “bài” giải quyết ổn cả.

Vài năm gần đây, lại rục rịch một câu chuyện mới về IoT. Một lo lắng mới xuất hiện ở giới nhân sự.

Jennifer Schramm, người quản lý chương trình Xu hướng lực lượng lao động của tạp chí SHRM từ năm 2014 đã nêu ra cảnh báo, lúc mà thuật ngữ IoT (Internet of Things, internet “vạn vật”) được nhắc lại nhiều lần: “Càng nhiều thiết bị kết nối mỗi ngày thì tiềm ẩn về rủi ro an toàn thông tin càng tăng cao”.

Khi mà toàn cầu vui vẻ nhận thêm một thuật ngữ mới là IoT thì bấy giờ sự hào hứng còn đang lấn át nỗi lo lắng mới. Sự hào hứng đi qua, một sự thật dần được nhận diện, đó là các bộ cảm ứng và thiết bị nhúng ngày càng hiện diện khắp nơi. Chúng có thể được dùng trong theo dõi lộ trình di chuyển của hàng hóa, theo dõi thông tin phát ra từ các dược chất đưa vào điều trị, điều khiển các thiết bị trong nhà thông qua các “app” từ điện thoại…, cuối cùng đều làm lộ ra một khả năng chung nhất là chúng có thể gửi và nhận thông tin qua internet. Có vẻ như internet “vạn vật” hình thành ra một mạng thần kinh siêu lớn toàn cầu. Ngoài việc làm thay đổi cung cách làm việc, nó bắt đầu gây “đau đầu” cho các nhà quản lý nói chung, giới quản lý nhân sự nói riêng. Có lo lắng mà cũng có niềm vui từ đó…

Internet “vạn vật” ảnh hưởng lên cách thu thập, phân tích và khai thác dữ liệu về người lao động và quy trình công việc. Một trong những lợi ích vô cùng lớn là trong việc tuyển dụng, sau đó là việc quản trị, rồi đến an toàn lao động của nhân viên cũng như trong việc lập kế hoạch hoạt động của doanh nghiệp.

Điều lo lắng mà Jennifer Schramm đề cập đến là khoảng 70% các thiết bị liên quan đến internet “vạn vật” lại có những sơ hở về an toàn thông tin, sẵn sàng làm mồi cực ngon cho giới tin tặc. Theo các khảo sát đã được bà nêu ra thì các sơ hở này thuộc lĩnh vực về quyền riêng tư, giao diện web, phần mềm và việc mã hóa khi truyền tải thông tin.

Một số hệ lụy là rõ ràng nghiêm trọng. Nhất là giới tin tặc hoàn toàn có thể can thiệp vào các thiết bị như các thiết bị ngành dược hoặc y tế tại các bệnh viện lúc đang hoạt động khẩn cấp. Các cửa khóa dạng điện tử và các hệ thống an ninh có kết nối với internet cũng dễ bị tổn thương như các thiết bị trong nhà máy, trong giao thông vận tải và trong truyền thông.

Các thông tin qua IoT khi bị rò rỉ sẽ gây những hệ lụy cho người lao động. Để giảm đi những lo lắng này, giới nhân sự lại phải làm việc chặt chẽ với bộ phận công nghệ thông tin của tổ chức mình để rà soát và khắc phục điểm yếu trong các thiết bị IoT.

Rõ ràng là IoT cùng với các công nghệ về nhân sự làm cho công việc thú vị hơn rất nhiều. Nhưng với giới nhân sự, cần phải đảm bảo một vấn đề quan trọng là thông tin riêng tư của mọi cá nhân trong tổ chức được bảo mật khi có tương tác với IoT. Nhân sự lại phải xây dựng những chính sách và nội quy mới cho việc sử dụng các thiết bị có liên quan đến IoT mà trước hết phải bắt đầu từ điện thoại.

IoT đang định hình lại công việc quản lý nhân sự trong tương lai. Những lợi ích và rủi ro dần được nhận diện và giới nhân sự phải tính chuyện cân bằng những việc này, thay vì cấm đoán. Làm như vậy, họ sẽ bảo vệ được an toàn dữ liệu, cũng chính là bảo vệ khách hàng và người lao động trong tổ chức của mình.

Theo DNSG