Chúng tôi xin giới thiệu bài viết về lý thuyết “Vòng tròn hở” của Chuyên gia tư vấn và đào tạo Kỹ năng Bán hàng/ Quản lý Bán hàng Đỗ Xuân Tùng. Mời độc giả đón đọc.
Lý thuyết này là điều chính yếu tạo ra sự khác biệt của cấp lãnh đạo hay ông chủ so với những người cả đời sẽ chỉ đi làm thuê, áp dụng chính xác với tôi và với tất cả những người khác đang ngày đêm miệt mài, nỗ lực để thoát khỏi vị trí nhân viên cấp thấp, để vươn lên vị trí quản lý và sau cùng là được tự do với những dự tính, ấp ủ, tham vọng của bản thân mình.
Hãy nhìn vào cuộc sống của một nhân viên cấp thấp trong tổ chức thông thường.
Sáng thứ Hai, họ cố gắng thoát ra khỏi sự mệt mỏi, lê bước khỏi giường, chán nản lết đến văn phòng để bắt đầu cho một ngày mệt mỏi đầu tiên của một tuần làm việc đầy áp lực.
Ngày thứ Ba, họ cố gắng lặp lại điều đó với tâm sự đầy đau thương “Thôi cố, vì đằng nào đây cũng là ngày làm việc thứ hai rồi”.
Thứ Tư, họ thấy như cực hình đợi cho hết 8 tiếng “vàng ngọc” để được về với gia đình.
Thứ Năm, có tý động viên vì cũng là quá bán của tuần làm việc rồi, cố thêm tý nữa để thoát khỏi tuần đầy đọa này.
Thứ Sáu, họ cảm thấy vui vì chỉ còn mỗi ngày hôm nay thôi là tới thứ Bảy và Chủ nhật.
Sang thứ Bảy, họ đi làm chớp nhoáng tý buổi sáng, buổi chiều có làm cũng chỉ là chấm mút chút đỉnh để cho lương tâm khỏi cắn rứt trước khi chính thức được nghỉ.
Đúng 12h trưa thứ Bảy!
Thời khắc huy hoàng ấy đã điểm, cả một “tập đoàn” người ùa ra khỏi cổng công ty, cảm giác như anh nô lệ Django được thoát ra khỏi kiếp trâu cày ngựa cưỡi, đã thế lại còn có dịp trả thù các chủ nô da trắng. Mặt mũi ai nấy đầy hứng khởi, lao ra khỏi văn phòng, đến với tự do đầy cám dỗ của mình.
Họ mong gì? Họ muốn 24h của thứ Bảy và chủ nhật là dịp xả hơi của mình. 6 ngày vừa rồi, kể cả khi mình có ăn cắp thời gian của doanh nghiệp, hay mình có làm vật vờ cho xong cũng là mình đi làm rồi còn gì? Mà đi làm thì mệt là hiển nhiên, như vậy là cống hiến rồi. Giờ là thời gian của mình, mình phải chơi thật lực, bõ sự “cống hiến” ấy!
Vậy là nhân viên sales thì gọi nhau đi uống bia, mấy chị văn phòng thì rủ nhau làm đẹp, đi chùa, đi chơi, thậm chí là cố ngủ thêm 3 – 4h trên giường như một sự trả thù đích đáng cho những “chịu đựng” tuân theo kỷ luật của mình trong tuần.
Hầu hết những người ra khỏi giảng đường đại học, hình như đều theo mô típ ấy khi mới đi làm. Họ cho rằng vòng tròn bất tận của những giờ làm việc (dù có căng thẳng hay không) đều sẽ đứt đoạn, hở ra ở thứ Bảy và Chủ nhật để họ có thể thoải mái xả hơi, thoải mái rũ sạch các trách nhiệm, những tính toán “nhỏ mọn” trong công việc làm sao có lãi, làm sao thêm lợi cho công ty… để mình có thể làm “chính mình” ở đoạn đứt gãy đó.
Những người thành công, dù là tự làm hay là quản lý có tên tuổi ở những công ty lớn, hay giám đốc ở những công ty nhỏ, tóm lại là người có danh và có tiền, được quyền tự quyết trong giới hạn của họ. Họ chỉ khác với những người tôi nêu ở trên là thái độ với chính “khoảng đứt gãy” ấy!
Ngày thường họ làm việc “như trâu” đã đành, họ làm không tính toán so đo có được trả công không, mà vào ngày nghỉ, họ cũng chẳng màng đó là lúc nghỉ để “tái tạo sức lao động” như lý thuyết xưa cũ của môn nhân sự.
Họ làm vì thích thú với việc nhận ra giá trị bản thân trong kết quả công việc mà họ đạt được. Đôi khi cũng chả phải vì giá trị bản thân, mà họ như cậu bé, cô bé thích thú với trò chơi mới, nó thử thách năng lực suy nghĩ của họ.
Thậm chí nếu công việc đó hoàn thành khi họ làm việc vào ngày nghỉ thì tốt quá. Nhưng nếu nó không thành thì cũng là một câu chuyện tốt, để sau này có cái mà vỗ đùi cái đét “cố tới mức ấy, thế mà vẫn không được ông ạ! Ha ha ha. Thôi coi như mình có thêm bài học!”.
Không ít giám đốc công ty riêng có cái tư duy tới cuối tuần phải nghỉ ngơi để xả hơi. Tuy nhiên, những người xuất sắc nhất thì tôi thấy họ thành công vì chẳng nghĩ gì tới cái đứt gãy ấy hết. Ngày nghỉ mà thấy cái gì làm ngay ra tiền hay ra kết quả cho công việc vào tuần sau là họ ngồi vào làm, hoặc đứng dậy đi ra chỗ họp với đối tác, vậy thôi!
Thú thực, trong kinh nghiệm của chính tôi, tôi đã hình dung về vòng tròn hở này và có chủ đích phá vỡ nó từ hồi những năm 2003 – 2004. Tới lúc mở công ty thì do mệt mỏi về thể xác nên lúc phá được nó, lúc lại không. Tới nay, khi đã gặp và làm quen những người anh lớn thì tỷ lệ phá bỏ nó được khoảng 80%. Mục tiêu tôi đặt ra là tiêu diệt nó hoàn toàn vào cuối năm nay, 2017!
Còn các bạn?
Theo Trí Thức Trẻ