Sau hơn một năm tốt nghiệp đại học Kinh tế quốc dân, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tự tìm việc làm, A quyết định quay trở lại trường cũ học thêm tấm bằng thạc sỹ và đi theo con đường bố mẹ sắp xếp vào xin vào làm công chức ở huyện. A cũng giống như nhiều người trẻ khác sau khi ra trường thất bại rồi chùn bước trước lựa chọn của mình và lui vào con đường với suy nghĩ sẽ được an toàn, ít chông gai, yên ổn hơn.
Một bài viết trên báo Tuổi trẻ cách đây 2 năm từng chỉ ra những lợi thế của làm công chức. Bài báo viết: “Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, rủi ro, nhiều người cho rằng hiện nay chỉ có làm công chức là sướng nhất! Bởi vì đa số mọi người tư duy đã vào cơ quan nhà nước rồi thì khả năng bị cho thôi việc rất khó, chỉ có người lao động tự ý xin ra khỏi biên chế”. Chuyện mất việc đã hiếm, người viết bài còn chia sẻ giờ giấc thoải mái hay lương lậu ổn định khiến những người trẻ mới vào đời như A sẽ hối hận nếu không nghe lời bố mẹ.
Nếu huyền thoại Hàn Quốc Kim Woo Chung là nhà sáng lập tập đoàn Daewoo biết chuyện của A chắc ông cũng không khỏi buồn. Bởi từ gần 30 năm trước, ông từng cảnh báo và muốn người trẻ nước mình thay đổi tư duy này. Ông viết: “Bạn còn trẻ, vì vậy bạn có quyền thất bại sau khi đã cố gắng hết sức mình. Nếu bạn chỉ làm công việc người ta bảo có thể bạn không có sự lo âu nào cả, nhưng cùng lúc bạn sẽ không bao giờ thành đạt cái gì to tát. Nếu một người không bao giờ thất bại thì làm sao anh ta có thể trông đợi được nếm mùi thành công?
Về điểm này tôi cảm thấy bực mình với thanh niên ngày nay. Tôi có cảm tưởng rằng các bạn quá mềm yếu. Dường như các bạn không có tinh thần mạo hiểm, thiếu sự tự tin và một số bạn hình như có khuynh hướng tới sự thụ hưởng tiện nghi cá nhân và biếng nhác.”
Thật trùng hợp khi điều mà ông chỉ ra về trách nhiệm cho hiện tượng này đến từ sự săn sóc quá mức của các bậc cha mẹ. “Mọi bậc cha mẹ đều muốn con cái mình ăn ngon mặc đẹp và thành công. Nhưng nếu cha mẹ khôn khéo thực sự quan tâm tới tương lai con cái mình thì phải tuân thủ một số quy tắc. Và một trong những quy tắc đó là biết khi nào thì nên và khi nào không nên yêu thương.
Trẻ con không nên bị làm ngạt đến chết vì tình yêu thương, bậc cha mẹ làm con mình chết ngạt với sự yêu thương và che chở quá mức thì sẽ làm đứa trẻ yếu đuối, tước đi của nó sức mạnh đương đầu với cuộc sống”, ông viết. Nhiều ông bố bà mẹ Việt hiện nay cũng giống các bậc phụ huynh Hàn Quốc gần 30 năm trước.
Có những người cả cuộc đời chỉ muốn làm “con chim trong lồng”
Hiện tượng xã hội Hàn Quốc lúc Kim Woo Chung viết hồi ký có lẽ cũng có không ít điểm tương đồng với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam: Có nhiều nhân viên mới tuyển bỏ việc trong vòng 6 tháng. Và rồi sau đó họ quyết định quay trở lại trường đại học để lấy bằng cao học hoặc để tiếp tục học ở nước ngoài.
Huyền thoại Hàn Quốc từng gay gắt cho rằng khuynh hướng cần chấm dứt. “Tôi thắc mắc về chất lượng của những trường học sẵn sàng nhận những kẻ trốn chạy để đi học lại vì không thể chịu nổi cuộc sống đoàn thể. Và ý kiến của riêng tôi là những kẻ quay trở lại hoặc đi du học vì những lý do đó chứ không phải vì một sự say mê thật sự cho việc học hành đang sỉ nhục cả một quá trình giáo dục một cách nghiêm trọng”, ông viết.
Một câu chuyện khác được ông chia sẻ là cuộc nói chuyện với một sinh viên năm cuối chuyên ngành về quản trị kinh doanh tại một trong những trường nổi tiếng của Hàn Quốc. Anh này rất tươm tất và trông rất sắc nét. Họ nói chuyện xoay quanh dự định của anh ta sau khi tốt nghiệp.
Tốt nghiệp Ngoại thương, Kinh tế, đi học thạc sỹ, vào làm công chức nhà nước: Bạn có muốn sống cả đời nhàn hạ như một con chim trong lồng? – Ảnh 2.
Ông đưa ra đề nghị anh này làm việc với Daewoo. Điều làm ông thất vọng không phải vì anh chàng này nói là không thích Daewoo mà bởi cách trả lời thích làm với công ty nước ngoài hơn vì họ trả cao hơn và có nhiều giờ nghỉ hơn.
Điều làm ông khó chịu hơn nữa là: Rằng nếu dành dụm đủ tiền trong vòng năm sáu năm thì sẽ cùng cô bạn gái mở quán cà phê để cuộc đời còn lại nhàn hạ.
“Chẳng có gì sai trái nếu mở một quán cà phê. Tuy nhiên điều làm tôi bực mình đó là vì anh ta là sinh viên học ở một trong những trường kinh doanh nổi tiếng vậy mà anh ta chọn nghề có cuộc sống nhàn hạ thoải mái. Nó làm tôi sựng lại và tự hỏi những sinh viên khác không biết có nghĩ theo cách đó về mục đích trong cuộc sống hay không”, nhà sáng lập Daewoo viết một cách gay gắt.
Nếu soi lại Việt Nam, cũng không hiếm những sinh viên tốt nghiệp Kinh tế quốc dân như A hay Ngoại thương như B cũng đang lựa chọn lối đi an nhàn mà ông chỉ trích.
Cái lồng chim làm cho cuộc sống của con chim nhàn hạ. Nó chẳng lo lắng về thức ăn lạnh lẽo hay những sự nguy hiểm. Nhưng chẳng có gì đáng thèm muốn đối với một con chim như vậy, một con chim ngoài trời phải tự tìm kiếm lương thực, tự xây tổ và tự mình chống trả lại những con chim ăn thịt nhưng nó lại được tung bay cả một khoảng trời rộng lớn. Nó sung sướng với sự tự do và phiêu lưu của mình hơn là con chim trong lồng vốn chẳng có gì ngoài tiện nghi.
Có cả một thế giới đồ sộ bên ngoài cần phải khám phá. Đừng sợ những cái gì không biết và đừng lo thất bại. Vừa là đặc quyền vừa là nghĩa vụ của thanh niên biến khoảng trống thành cơ hội và đương đầu với nghịch cảnh bằng một tinh thần thách đố.
Câu chuyện đã 30 năm nhưng vẫn còn nóng hổi với xã hội Việt Nam bây giờ. Liệu tư tưởng hưởng thụ cả cuộc đời vốn chỉ sống một lần trong một cái lồng của một số người Việt trẻ bao giờ mới thay đổi?
Theo Trí Thức Trẻ