Hàng chục năm nay, các chuyên gia tâm lý và xã hội học đã nghiên cứu về ảnh hưởng của thứ tự sinh đến tính cách mỗi người. Và có lẽ các nhà kinh tế học cũng có cùng mối quan tâm ấy, nhưng đối tượng tác động lần này là các kỹ năng được rèn luyện khi còn nhỏ, và các quyết định về nghề nghiệp sau này của chúng ta.
Trong một nghiên cứu trước đây của Viện đánh giá Thị trường lao động và Chính sách giáo dục ở Thụy Điển, người ta đã biết con đầu lòng thường có nhiều lợi thế hơn (về trình độ học vấn, thu nhập sau này, chỉ số IQ và sức khỏe). Nghiên cứu mới đây của 3 nhà kinh tế học Sandra E. Black, Erik Gronqvist và Bjorn Ockert còn khẳng định những đứa trẻ được sinh ra đầu tiên còn chiếm ưu thế về đặc điểm tính cách và thành công trong sự nghiệp sau này.
Ở nghiên cứu mới này, để đo lường sự phát triển tính cách, các nhà khoa học đã sử dụng kết quả của một cuộc đánh giá tâm lý tiêu chuẩn được thực hiện trên mọi nam giới Thụy Điển ở độ tuổi 18 khi họ đăng ký gia nhập quân đội. Những người được điểm cao thường có đặc điểm là tâm lý ổn định, bền bỉ, cởi mở, có trách nhiệm và chủ động. Điểm số này được đưa ra sau khi thực hiện các bài test chuẩn về nhận thức. Kết quả cho thấy những đứa trẻ sinh sau nhìn chung có điểm số thấp hơn ở mọi đặc điểm nêu trên.
Con cả nên làm nghề gì?
Điều thú vị là, người ta thấy sự khác biệt về tính cách ở trẻ này dẫn đến các loại hình công việc khác nhau mà chúng lựa chọn khi trưởng thành. Những đứa con đầu lòng thường là nhân viên quản lý, trong khi những đứa trẻ sinh sau thường làm nghề tự do.
Nhìn chung, con đầu lòng thường làm những nghề đòi hỏi cao về khả năng giao tiếp, lãnh đạo, sự tỉ mỉ, hòa đồng, tâm lý ổn định, hướng ngoại và cởi mở. Đó là những nghề như quản lý cấp cao, chuyên viên pháp chế, và viên chức chính phủ (mô thức này xuất hiện ở cả 2 giới tính nam và nữ).
Nghề nghiệp theo yếu tố giới tính
Giới tính của những đứa trẻ sinh trước cũng có tác động đáng kể. Những bé trai có anh trai thường mang những đặc điểm tính cách yếu kém hơn so với những bé trai có chị gái. Và khi xem xét những nghề nghiệp đòi hỏi sự sáng tạo như nhà văn, nhạc sĩ và ca sĩ, thì các bé trai nhiều khả năng hơn sẽ làm những nghề này khi trưởng thành nếu chúng có anh trai chứ không phải chị gái.
Có nhiều cách lý giải cho mô thức này, từ sự khác biệt về đặc điểm sinh học (do thứ tự sinh gây ra) cho đến sự khác biệt về hành vi của con đầu lòng khi thấy cha mẹ cư xử với em mình.
Quy luật sinh học thực ra đi ngược lại với các mô thức mà chúng ta thấy, vì con đầu lòng thường có các yếu tố sau sinh tốt hơn, ví dụ như cân nặng – một dấu hiệu phổ biến thể hiện sức khỏe sau sinh.
Để chính thức kiểm nghiệm vai trò của yếu tố sinh học đối với sự khác biệt về tính cách dựa trên thứ tự sinh này, các nhà khoa học đã dựa vào thực tế là thứ tự ra đời về mặt sinh học của một số đứa trẻ khác với thứ tự ra đời về mặt xã hội của chúng (do cái chết của một đứa trẻ lớn hơn hoặc bởi cha mẹ cho một đứa làm con nuôi). Khi tính đến cả khía cạnh này, họ nhận thấy tác động của thứ tự sinh hoàn toàn bị chi phối bởi các yếu tố môi trường.
Khi đi tìm câu trả lời, các nhà khoa học nhận thấy những đứa trẻ tuổi teen là con đầu lòng thường thích đọc sách; dành nhiều thời gian làm bài tập về nhà; ít khi xem TV hoặc chơi điện tử. Các phụ huynh cũng dành ít thời gian hơn để nói chuyện về những gì diễn ra ở trường với những đứa con sinh sau, cho thấy có thể có sự khác biệt về mức độ đầu tư thời gian của cha mẹ đối với mỗi đứa con.
Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy những đứa trẻ sinh sau thường có đặc điểm tính cách dẫn đến các lựa chọn khác biệt về sự nghiệp so với những anh chị của mình. Lý do họ ít khi nắm những vị trí cấp cao (và tất nhiên có thu nhập ít hơn) nằm ở yếu tố môi trường.
Theo Trí Thức Trẻ