Chuyện người bán hàng “mất tích” và tương lai của ngành thương mại

Các tiến bộ của khoa học kỹ thuật đang mở ra một chương mới về xu hướng mua sắm. Theo đó, các cửa hàng tương lai sẽ “thuê” robot bán hàng, quản lý thông minh với smartphone, sử dụng người mẫu kỹ thuật số và thậm chí giao hàng bằng thiết bị bay không người lái


 

Ảnh minh họa

Người bán hàng “mất tích”

Giải pháp áp dụng triệt để các tiến bộ công nghệ hoặc dùng robot để thay thế nhân viên bán hàng đang được nhiều công ty, cửa hàng áp dụng nhằm giảm nhân công, tạo thuận lợi cho khách hàng lẫn công tác quản lý bán hàng.

Gần đây, Amazon vừa ra mắt thử nghiệm cửa hàng thông minh Amazon Go gần trụ sở của tập đoàn ở Seattle (Washington, Mỹ).

Cửa hàng vắng bóng nhân viên Amazon Go tại Mỹ.
Cửa hàng vắng bóng nhân viên Amazon Go tại Mỹ.

Cụ thể, Amazon Go không có người bán hàng và áp dụng công nghệ máy học với thuật toán deep learning, camera theo dõi chuyển động kết hợp cảm biến được áp dụng trên công nghệ xe ô tô tự lái… Khách hàng khi đến mua sắm tại Amazon Go chỉ cần dùng smartphone để quét mã vạch nhận dạng tại lối vào, các công nghệ thông minh kể trên sẽ theo dõi cử chỉ của khách hàng để thêm/bớt món hàng vào danh sách mua hàng và cuối cùng hoá đơn sẽ được tự động trừ vào trong tài khoản Amazon của khách hàng.

Không có thu ngân, khách hàng tự trừ tiền vào tài khoản và cứ vậy ra về (Just Walk Out).
Không có thu ngân, khách hàng tự trừ tiền vào tài khoản và “cứ vậy ra về” (Just Walk Out).

Hiện tại, Amazon Go đang ở trong giai đoạn thử nghiệm và cần thêm thời gian để khắc phục một vài điểm yếu như chưa thể tương tác với hơn 20 khách hàng cùng lúc hay gặp trở ngại trong việc theo dõi các món hàng bị dời khỏi vị trí của chúng trên kệ.

Tóm lại, nếu được triển khai thành công, Amazon Go giúp người dùng loại bỏ vấn đề phải xếp hàng chờ thanh toán, không cần kiểm tra khi vào/ra và giảm bớt nhân công quản lý và bán hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng dạng cửa hàng không có người bán hàng như Amazon Go nếu triển khai thành công cũng sẽ bị hạn chế ở một số mặt hàng như thực phẩm, nhu yếu phẩm… Với các mặt hàng chuyên biệt hơn, khách hàng cần tham khảo sự tư vấn từ người bán hàng thay vì mua sắm tự chọn, tự trả tiền theo kiểu cửa hàng không người bán hàng phổ biến ở Nhật hay cửa hàng thông minh Amazon Go.

Và nếu cần đến nhân viên tư vấn bán hàng, tại sao bạn không thử đến với các cửa hàng “thuê” nhân viên tư vấn robot.

Chuỗi cửa hàng Lowe (Mỹ) đang triển khai LoweBot, một dịch vụ robot chăm sóc khách hàng có thể nói nhiều ngôn ngữ giúp người mua tìm món hàng và cung cấp thông tin về sản phẩm.

LoweBot giúp tư vấn và tương tác với khách hàng trong siêu thị.
LoweBot giúp tư vấn và tương tác với khách hàng trong siêu thị.

Sau thời gian thử nghiệm gần 2 năm với tên gọi OSHbot, dịch vụ robot này đang được triển khai thử nghiệm tại chuỗi cửa hàng Lowe.

Trong khi đó, nhà bán lẻ Best Buy đang ứng dụng Chloe, cánh tay robot hỗ trợ người dùng mua sắm đĩa CD, DVD, tai nghe… bằng cách tương tác thông qua màn hình cảm ứng.

Cánh tay robot Chloe tự động lựa băng đĩa cho người mua ở Bestbuy.
Cánh tay robot Chloe tự động lựa băng đĩa cho người mua ở Bestbuy.

Một ví dụ sinh động khác là Pepper, robot giống người được Aldebaran Robotics (một thành viên của tập đoàn Softbank) triển khai tại một số cửa hàng Nescafé tại Nhật Bản.

Thử hàng và giao hàng “viễn tưởng”

Với nhiều khách hàng, việc mua sắm quần áo trực tuyến có thể mang đến nhiều chuyền vui, buồn đa dạng. Vì sự khác biệt về số đo giữa các nhãn hàng, do đó người mua khá khó khăn khi tìm đúng quần áo vừa cỡ với mình khi mua hàng online, dẫn đến phải đổi trả nhiều lần.

Thế nên việc phát triển những mô hình ba chiều chính xác của khách mua hàng, hay còn gọi là mannequin số hoá, sẽ giúp cho việc mua sắm trực tuyến thêm tiện lợi hơn.

Thử quần áo online bằng người mẫu với số đo tương đương người mua.
Thử quần áo online bằng người mẫu với số đo tương đương người mua.

Ví dụ cụ thể chính là công ty khởi nghiệp Metail đã giới thiệu công nghệ có thể được nhúng vào trang web của các nhà bán lẻ, cho phép khách hàng có thể tạo ra mô hình 3D chính xác của bản thân với tên gọi “Me Models” để thử các sản phẩm như quần áo, trang sức… Qua đó, khách hàng có thể tìm kiếm sản phẩm ứng ý với số đo vừa vặn cơ thể mình, trong khi người bán có thể sử dụng dữ liệu khách hàng để gợi ý các sản phẩm đang lên kệ.

Rõ ràng, các mô hình 3D sẽ tiến thêm một bước nữa trong việc thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến vốn đang rất sôi động.

Khi thương mại điện tử đang nhộn nhịp và được hỗ trợ bởi các tiến bộ công nghệ thì với những thành phố xảy ra thường xuyên kẹt xe sẽ đặt ra bài toán giao hàng đúng giờ đang làm khổ tâm của nhiều người bán hàng trực tuyến.

Và Amazon lại một lần nữa tiên phong trong việc áp dụng công nghệ vào thương mại khi triển khai thử nghiệm dịch vụ giao hàng sử dụng máy bay không người lái (drone): “Amazon PrimeAir”.

Dịch vụ giao hàng PrimeAir của Amazon.
Dịch vụ giao hàng PrimeAir của Amazon.

Các thiết bị bay trong hệ thống PrimeAir có thể hoạt động độc lập và tự động dựa trên phần mềm và thông qua toạ độ chính xác đã định trước.

Tuy vậy, ngoài chương trình thử nghiệm đặc biệt của Amazon, việc triển khai dịch vụ giao hàng thực tế sẽ gặp nhiều trở ngại về chính sách khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang có động thái hạn chế các thiết bị không người lái tự do bay lượn vì có thể ảnh hưởng đến an toàn bay lẫn an ninh quốc gia.

Tất cả những thử nghiệm trên mang đến những dấu hiệu lạc quan, hứa hẹn sẽ tạo ra một xu hướng mua sắm hoàn toàn mới ở thì tương lai, khi các công nghệ thực sự đủ chín muồi để có thể kết hợp ăn ý nhằm tạo ra không gian mua sắm thông minh và tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua hàng.

Theo ICTnews