Chiến lược Ưu nhược điểm khi tuyển dụng cựu sĩ quan làm SEO

Ưu nhược điểm khi tuyển dụng cựu sĩ quan làm SEO

17
Có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên tuyển dụng các cựu sĩ quan vào làm việc hay không? Mỗi chủ doanh nghiệp lại có quan điểm riêng của mình về vấn đề này. Sau đây là các ‎ý kiến của nhiều doanh nhân Nga về những nhân viên đã từng phục vụ trong quân đội.

Ưu điểm

Theo Irina Dardzhania, Tổng giám đốc Công ty tuyển dụng Almaz, thì các cựu sĩ quan giải quyết tốt các vấn đề quản l‎ý kinh tế hoặc điều hành bộ phận hành chính và kỹ thuật.

Vladimir Bobin, Tổng giám đốc hãng Agriko, cũng cho rằng các cựu quân nhân có không ít các ưu điểm:

– Họ rất thích hợp để làm việc trong các dự án mới. Các cựu chiến binh là ứng cử viên l‎ý tưởng ở những nơi cần “khai phá”. Khi tôi mở một hướng mới trong kinh doanh thì khi tuyển nhân sự đều ưu tiên tuyển dụng những người đã từng phục vụ trong quân đội.

Các cựu quân nhân thường chiếm lĩnh thị trường mới một cách dễ dàng và nhanh chóng, đồng thời họ biết cách kiểm tra lòng trung thành của những đồng minh. Người lãnh đạo hệ thống cửa hàng của Hãng Pyaterochka nhớ lại: một cựu sĩ quan binh chủng xe tăng trong suốt một năm, cứ trung bình một tháng ông mở được từ ba đến bốn cửa hàng. Không một giám đốc địa phương nào của Pyaterochka đạt được tốc độ này. Ở hãng, các cựu chiến binh được đánh giá cao bởi khả năng đưa ra các quyết định kịp thời và khả năng lãnh đạo trong những tình huống khẩn cấp. Khi ở Saint Petersburg xảy ra một số vụ cháy cửa hàng, mọi người nhận định chỉ có thể khôi phục lại sau hai tháng, nhưng chỉ sau hai tuần những cửa hàng này đã sẵn sàng hoạt động trở lại. Người lãnh đạo chiến dịch sửa chữa trước là một sĩ quan hải quân làm việc dưới tàu ngầm.

Veniamin Grabar, Tổng giám đốc Tập đoàn Ladoga (sản xuất và buôn bán các sản phẩm có chứa alcohol) đánh giá cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ của các cựu quân nhân. Theo ông, họ thường tập chung toàn bộ sức lực để đạt được kết quả. Các cựu quân nhân dễ quen với một lịch làm không cố định cũng như không bao giờ phản đối một tiến độ làm việc căng thẳng.

– Trong những giây phút khó khăn, họ sẽ giúp bạn tồn tại và cứu nguy cho công việc kinh doanh, – Aleksei Gerin, Tổng giám đốc Phòng dịch thuật “TransLink” nhận xét, bản thân ông cũng từng phục vụ trong quân đội.

Ba năm trước đây, vào giai đoạn thành lập TransLink, công ty vấp phải những khó khăn to lớn. Công việc kinh doanh mới phát triển, đơn đặt hàng rất ít và các nhân viên thường không trụ được lâu ở công ty.

– Trong giai đoạn thiếu tiền khủng khiếp đó, thì một cộng sự bỏ chúng tôi mà đi, – Aleksei Gerin nhớ lại. – Chúng tôi chỉ còn lại hai người: tôi và một cộng sự nữa, Sergei Ognev. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng tôi không phải là những cựu quân nhân đã được rèn tính kiên định và lòng tin vào thắng lợi thì TransLink không thể vượt qua khó khăn và chắc đã bị tan vỡ ngay từ trong trứng nước. Chúng tôi dạy từ năm giờ sáng và làm việc đến tối muộn, dù cho có điều gì xảy ra cũng không làm chúng tôi thất vọng. Chúng tôi tin rằng, đến một lúc nào đó thời khắc của chúng tôi sẽ điểm.

Công ty luật “Chastnoe pravo” cũng sẵn lòng nhận các cựu quân nhân. Phó giám đốc công ty – Vasily Korotkov nhận xét: họ làm việc rất tốt trong các điều kiện căng thẳng và có khả năng làm việc theo nhóm. Trong kinh doanh, điều này có nghĩa là biết đặt quyền lợi của công ty lên trên quyền lợi của cá nhân. Quân đội dạy họ phải làm việc trong một tập thể, vì vậy, các quân nhân nhận thức rõ ràng rằng chỉ với sự cố gắng của tất cả mọi người thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra.

– Nếu như một cựu quân nhân dễ dàng xâm nhập vào cuộc sống của một “thường dân”, thì họ có thể trở thành một người lãnh đạo thực thụ trong tập thể của mình, – Korotkov nhận xét.

Nhược điểm

Tuy nhiên, không phải cựu quân nhân nào cũng có thể thích nghi trở lại với cuộc sống của một “thường dân”, và chính ở điểm này – theo ý kiến của nhiều doanh nhân – là vấn đề gây ra nhiều rắc rối nhất của những giám đốc điều hành đã từng có thời gian phục vụ trong quân đội.

– Tôi là một người không có gì chung với quân đội và rất khó làm việc cùng với những cựu quân nhân, – Aleksandr Shishov, Tổng giám đốc Tập đoàn Retal, thừa nhận. – Đáng tiếc, sự hình dung của tôi về một sĩ quan cổ điển với tinh thần trách nhiệm cao đã không được thực tế chứng minh.

Những cựu sĩ quan chuyển từ cuộc sống doanh trại sang viên chức thường không dễ dàng làm quen với chân l‎ý: không phải bất cứ một kinh nghiệm nào trong quân đội cũng có thể áp dụng vào cuộc sống “thường dân”. Nhược điểm lớn nhất của họ là tính độc tài. Hiển nhiên là trong quân đội cũng như trong kinh doanh, cấp dưới phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên với nguyên tắc một người chỉ huy và phải chấp hành nội quy trong công việc, – nhưng quan hệ giữa các cá nhân trong quân đội và đời thường được xây dựng trên những nguyên tắc khác hẳn nhau. Nếu như trong quân đội, một phong cách lãnh đạo cứng rắn được thừa nhận, thì trong đời thường ít khi được chấp nhận. Trong trường hợp khá hơn cả thì những nhân viên bị phật lòng phớt lờ mệnh lệnh, còn tồi hơn thì họ bỏ công ty mà đi.

– Một trong những nhược điểm nổi bật của các cựu sĩ quan là họ thường đánh giá quá cao khả năng của mình và không hiểu rằng các mối quan hệ hữu cơ trong một cơ cấu tổ chức kinh doanh và trong quân đội được xây dựng trên những nguyên tắc khác hẳn nhau, – Irina Dardzhania nói.

Chính vì vậy mà những ‎ý hành động quân sự, mặc dù là vì lợi ích chung thường dẫn đến những mâu thuẫn nghiêm trọng và biến bầu không khí tập thể trở nên u ám. Ví dụ, một nhân viên điều hành cao cấp của Stek, ông đã từng là đại tá trong quân đội, ra lệnh hàng ngày treo cờ ở trụ sở công ty với ‎ý định nâng cao tinh thần yêu nước của tập đoàn. Những nhân viên của Stek không hứng khởi gì với ý tưởng này, nhưng vì mệnh lệnh của cấp trên nên phải chấp hành và hàng ngày chán nản kéo lá cờ tổ quốc lên cao. Kết quả, vì không được sự đồng tình của cấp dưới, nghi thức quân đội này đã phải hủy bỏ.

Một nhược điểm nghiêm trọng nữa của những cựu sĩ quan là không biết cách tiến hành cùng lúc nhiều “trận chiến” với vài “kẻ thù” (các đối thủ cạnh tranh, những khách hàng, các quan chức và những nhân viên). Các cựu quân nhân thường tiến hành những trận chiến “tay đôi” hơn là giáng trả “kẻ thù” đồng thời trên nhiều mặt trận.

– Những người từng phục vụ trong quân đội thường có thói quen giải quyết công việc từ trên xuống và thường không nhìn thấy những nhiệm vụ chiến lược của công ty. Họ “suy nghĩ theo một khuôn khổ” nhất định. Chính vì nguyên nhân này mà không nên để họ nắm giữ các chức vụ như giám đốc phát triển hoặc chiến lược của công ty, – Tatyana kazennovva, một cộng sự của Công ty tư vấn Alpha Personal, nói.

Vasily Sysoikin, chủ hệ thống hiệu thuốc “Pharmia” cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cũng là một cựu sĩ quan nên hiểu rằng: thực hiện công việc theo quy trình là một thói quen khó bỏ của những người đã từng phục vụ trong quân đội và điều này thường cản trở sự phát triển của một doanh nghiệp. Các cựu quân nhân suy nghĩ theo quán tính nên rất khó làm quen với những luật lệ đời thường và khó thay đổi những nguyên tắc quân sự đã hằn vào trong óc họ. Các sĩ quan thường làm chính xác và hoàn thành đúng thời hạn nhiệm vụ được giao, nhưng ít khi làm nhiều hơn điều mà cấp trên đòi hỏi.

Aleksei Gerin thì cho rằng không nên vơ đũa cả nắm. Ông thường cân nhắc trước khi đặt một cựu sĩ quan vào vị trí lãnh đạo.

– Các cựu quân nhân phục viên từ những binh chủng khác nhau và phong cách làm việc của họ cũng khác nhau, – ông nói. – Tôi đồng ‎ý rằng nhiều quân nhân bị mất đi tính sáng tạo trong công việc, nhưng họ lại là những người chân thật và có kỷ luật. Họ có thể trở thành những nhà lãnh đạo tốt các bộ phận hành chính. Còn các phi công thì rất dễ tìm tiếng nói chung với mọi người và dễ hòa đồng vào tập thể. Những phiên dịch viên quân đội lại là những người có khả năng ngoại giao tốt và có khả năng phiên dịch tuyệt vời. Các thủy thủ thường không biết cách giao tiếp nhưng lại là những người làm việc bền bỉ.

***

– Kinh doanh là một cuộc chiến thực sự! – Vadim Shlakhter, người lãnh đạo Trung tâm đào tạo quốc tế và là tác giả của cuốn sách “Chiến lược quân sự trong kinh doanh”, nói. Trong kinh doanh diễn ra tất cả những điều xảy ra trong chiến tranh: tình báo, phản gián, những đồng minh, kẻ thù, kẻ phản bội, sự đổ bộ, công tác lãnh đạo các bộ phận, tiền tuyến và hậu phương. Hàng ngày chúng tôi phải chiến đấu để đưa ra một sản phẩm hay một dịch vụ mà chắc chắn khách hàng sẽ mua hoặc sử dụng. Tuy nhiên, không nên hiểu điều này một cách quá máy móc. Kẻ chiến thắng không phải là người đã bắn chính xác từ chiến hào của mình mà là người có khả năng xây dựng một sách lược đúng – ở bên trong quân đoàn của mình cũng như với những kẻ thù bên ngoài.

Theo Bwportal/Như Quỳnh (Dịch từ MyBiz)