Bài học sau cuộc phỏng vấn thất bại

Có vẻ như chuyện này xảy ra với hầu hết mọi người. Hồ sơ được chọn, bạn được gọi tới buổi phỏng vấn nhưng những gì bạn nhận được từ nhà tuyển dụng sau đó chỉ là sự im lặng.
Việc bị từ chối có thể là đáng thất vọng và dễ dàng ám ảnh đến sự tự tin của bạn. Thay vì đắm mình trong những suy nghĩ tiêu cực, bi quan rồi đánh mất cơ hội, bạn có thể nghĩ theo một hướng khác, tích cực hơn: Cuộc phỏng vấn có chút vấn đề? Vị trí đó đã dành cho người thân của một người quen trong nội bộ công ty? Kế hoạch tuyển dụng thay đổi, trì hoãn… Đừng ngại hỏi nhà tuyển dụng lý do thực sự khiến bạn bị loại khỏi cuộc chơi, vì nếu không hỏi, bạn không bao giờ biết.
Sau một lần phỏng vấn thất bại, thay vì mất tự tin, thiếu bản lĩnh, bạn nên rút ra cho mình những bài học quý, để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phỏng vấn tiếp theo:
Theo sát nhà tuyển dụng
Một số nhà tuyển dụng có thể lo sợ xảy ra tranh chấp khi họ nói cho bạn biết lý do tại sao bạn bị loại. Thay vì hỏi tại sao, hãy đề nghị nhà tuyển dụng cho bạn biết làm thế nào để có thể cải thiện kỹ năng, giúp bạn trở thành một ứng viên tốt hơn cho các vị trí mới trong tương lai.
Tiến sĩ Michael Mercer, tác giả cuốn “Job Hunting Made Easy”, nói rằng khi bạn nhận được thông tin phản hồi từ nhà tuyển dụng hoặc nhà quản lý, bạn luôn luôn phải nhã nhặn. “Bất kể lý do từ chối của họ là thông minh hay ngu ngốc, hãy mỉm cười và cảm ơn họ đã dành cho bạn sự giúp đỡ tuyệt vời, sự hiểu biết đầy giá trị. Lòng biết ơn, sự khen ngợi của bạn sẽ làm cho nhà tuyển dụng muốn giúp bạn. Ngoài ra, sự tử tế, quan tâm lắng nghe lý do của họ sẽ làm cho nhà tuyển dụng có cái nhìn tốt về bạn. Người quản lý nhân sự đang có thiện cảm với bạn sẽ sẵn sàng giúp bạn hoặc nghĩ ngay tới bạn khi có đợt tuyển dụng tiếp theo.”
Tìm sự giúp đỡ từ người cố vấn hoặc đồng nghiệp
Bạn có thể tìm lời khuyên từ những nhà cố vấn chuyên môn và các đồng nghiệp có kinh nghiệm thông qua việc mô tả những gì bạn đã trải qua trong cuộc phỏng vấn. Họ sẽ giúp bạn có được những thông tin cần thiết cho yêu cầu công việc bạn cần.
Thậm chí nếu bạn không đến được giai đoạn phỏng vấn, hãy bắt đầu bằng việc đánh giá thư xin việc và sơ yếu lý lịch của bạn. Đọc kỹ các mô tả công việc một lần nữa, so sánh với sơ yếu lý lịch của bạn. Sơ yếu lý lịch có bao gồm những yêu cầu quan trọng trong mô tả công việc không? Người đọc, trong vòng 10 giây có thể nhận ra bằng cấp của bạn có liên quan đến công việc hay không? Nếu bản sơ yếu lý lịch không có các thông tin trong mô tả công việc thì bạn đã bỏ lỡ một cơ hội lớn.
Tìm kiếm một sự trợ giúp chuyên nghiệp
Bạn cũng có thể xem xét trả tiền cho một bài phê bình chuyên nghiệp hoặc viết lại lý lịch của bạn, hoặc tìm một nhà tư vấn nghề nghiệp uy tín. Nếu bạn đang tìm kiếm sự trợ giúp từ tất cả các mối quan hệ trong mạng lưới mà vẫn không nhận được một sự phản hồi nào, bạn khó lòng mà tiến bộ, và đó là điểm quyết định sự khác nhau giữa việc được nhận hay không được nhận một công việc như ý.

Theo Infonet