Văn hóa doanh nghiệp MISA được xây dựng như thế nào?

Xuyên suốt 30 năm, một trong những thành công nhất của MISA đó là xây dựng được văn hóa doanh nghiệp lấy tư tưởng cốt lõi là “Phụng sự xã hội” và luôn coi đây là kim chỉ nam cho tất cả các hoạt động của công ty.

Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT MISA Lữ Thành Long tự nhận mình không nghiên cứu nhiều về lý thuyết văn hóa nói chung mà hiểu và xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên việc cảm nhận những nhu cầu thực sự từ nội tại của công ty. 

Theo quan niệm cá nhân, ông Long cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là những thói quen, hành vi và thái độ tốt mà nó giúp được cho doanh nghiệp phát triển lên.

Văn hóa doanh nghiệp được nhà sáng lập và các lãnh đạo MISA gây dựng từ những thứ nhỏ nhất, dần dà được tập hợp thành bộ nguyên tắc, hướng dẫn và đưa vào trong các tài liệu đào tạo, quy trình quy định của công ty. Điều này đã giúp văn hóa ăn sâu, bén rễ vào trong mỗi CBNV và trong mọi hoạt động hàng ngày, là căn cốt cho sự phát triển bền vững của MISA.

Trong văn hóa điều hành, Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long quan niệm: “cái gì cũng phải chuyên nghiệp, nghiêm túc, có kỷ luật. Khi đã cam kết là phải thực thi đến cùng, phải có trách nhiệm đối với những điều đã cam kết”.

Tại MISA, những chuyện dù nhỏ trong quá trình tương tác điều hành như: phải chuẩn bị tài liệu trước khi họp; đi họp phải đúng giờ; trong cuộc họp không sử dụng điện thoại và chú ý lắng nghe chứ không chỉ chăm chăm đưa ý kiến của mình… đều được tập hợp để xây dựng thành các quan điểm làm việc thống nhất, tạo dựng văn hóa tốt.

Nói về tính kỷ luật, ông Long cho rằng, người ta thường hiểu lầm chữ kỷ luật là xử phạt. Thực tế, kỷ luật là sự tuân thủ những nguyên tắc mà mình đã đồng thuận. Một công ty muốn hoạt động chuyên nghiệp, một cá nhân muốn trở nên chuyên nghiệp và tạo ra được những thành tích đột phá thì phải có nguyên tắc. Nguyên tắc đó dễ hay khó là tùy vào tổ chức nhưng một khi đã xây dựng ra nguyên tắc, và mọi người đồng thuận với nguyên tắc đó rồi thì bắt buộc phải tuân thủ nó. 

Bản chất kỷ luật là một điều rất tốt vì nó giúp gia tăng năng suất, hiệu quả. Từ đó, làm cho tổ chức tạo ra sản phẩm tốt hơn, đóng góp xã hội tốt hơn, và giúp cho đời sống của CBNV cũng tốt hơn. Kỷ luật cao sẽ tạo ra năng suất cao. 

Khi anh tham gia vào một công ty có kỷ luật cao thì theo thời gian anh tự nhiên trở thành người có kỷ luật và năng suất cao, có độ chuyên nghiệp cao. Đến một lúc nào đó sẽ tự nhận thấy sự chuyên nghiệp đó đã ăn sâu vào máu mình. Nhiều bạn nói với tôi rằng, khi rời khỏi MISA sang tổ chức khác, mặc dù được trả lương cao hơn một chút nhưng sau đó lại nhanh chóng rời bỏ vì thấy tổ chức đó không có kỷ luật, rất lộn xộn” – ông Long kể.

Tôn trọng sự kỷ luật, nhưng quan điểm của Chủ tịch MISA đó là phải thu hẹp khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên. Điều này được minh chứng ở MISA, dù ở văn phòng nào, dù là khối kinh doanh, sản xuất hay khối hỗ trợ, dù sếp lớn hay sếp nhỏ thì đều rất gần gũi, thân thiện với nhân viên và không ai cố ý để tạo ra khoảng cách.

Điều này, tôi đọc từ cuốn Binh pháp Tôn Tử viết về thuật Làm chủ ý chí, làm chủ nhân tâm. Tức là, làm sao để tất cả các anh chị em trong công ty hiểu nhau, đoàn kết với nhau, một lòng sát cánh và có chung ý chí để vượt qua những nhiệm vụ khó khăn, hoàn thành mục tiêu của tổ chức. Muốn xây dựng một tập thể đoàn kết thì không thể tạo ra khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên. Chỉ khi xích lại gần nhau thì mới có thể đồng lòng, đồng chí hướng được” – ông Long lý giải.

Sự gắn kết trong đội ngũ MISA dễ nhận thấy đó, không chỉ được tạo ra bởi quan điểm “không khoảng cách” như vậy, mà còn bởi được coi trọng đầu tư các yếu tố về tinh thần, thể chất

Có lẽ ít doanh nghiệp nào mà có kho tàng gần 40 bài hát về công ty như MISA. Những ca khúc này được phát trên hệ thống loa của công ty hàng ngày, đưa lên sân khấu biểu diễn và hiện diện trên tất cả các nền tảng mạng xã hội để người MISA có thể sử dụng trong bất cứ tình huống nào. Văn hóa âm nhạc len lỏi vào từng hoạt động, là sự khích lệ không ngừng về mặt tinh thần cho cán bộ nhân viên. Bên cạnh đó hoạt động thể chất như team building, các câu lạc bộ và giải thi đấu thể thao được duy trì thường xuyên không nằm ngoài mục đích gắn kết đội ngũ cả trong công việc và đời sống.

Thông qua hoạt động văn hóa – thể thao, mọi người sẽ có xu hướng dễ hợp tác hơn, cởi mở hơn. Đó là lý do vì sao MISA quan tâm và đầu tư cho kho bài hát về công ty cũng như các hoạt động phong trào. Trong văn hóa của MISA thì sự cam kết giữa công ty và người lao động không chỉ bằng lương – thưởng mà còn bằng cả đời sống về mặt tinh thần, thể chất” – Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long bật mí công thức bấy lâu nay MISA luôn duy trì.

Nguyên tắc để văn hóa MISA được duy trì và ngày càng trở nên bản sắc qua 3 thập niên, chắc chắn là bởi văn hóa trong đội ngũ lãnh đạo: luôn tiên phong, làm gương trong mọi hoạt động. Nguyên tắc này được nghiêm túc thực thi từ lãnh đạo cao nhất là Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long. 

Tôi đã đọc nhiều sách về những người lãnh đạo thành công trong lịch sử thì nhận thấy tố chất căn bản của những nhà lãnh đạo lớn, vĩ đại là họ không đặt mình cao hơn những người khác, không tự tạo cho mình những đặc quyền. Điều này trái ngược với thực tế khi có những người ở vị trí lãnh đạo thì tự cho mình đặc quyền không tuân thủ theo những nguyên tắc đã đưa ra trong hệ thống. Thế thì tự nhiên, nó không còn tính làm gương nữa” – theo ông Long.

Ở MISA, mỗi người lãnh đạo phải là sự kết tinh phẩm chất từ 6 chữ Vàng “Trí – Dũng – Nhân – Công – Tâm – Chính”. Sáu chữ này vốn để trả lời cho câu hỏi: MISA muốn xây dựng một hình tượng người lãnh đạo như thế nào khiến mọi người thấy xứng đáng để noi gương? Mặc dù được ra đời từ kết quả của những cuộc thảo luận, nhưng 6 chữ này phần lớn đều trùng khớp với tố chất của những người lãnh đạo MISA ở thời điểm đó. 

Nói tới văn hóa doanh nghiệp của MISA, không ít người đặt câu hỏi “MISA đã làm thế nào để xây dựng được đội ngũ mà lúc nào cũng giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, sục sôi trong công việc?” Quả thực, nhìn vào đội ngũ MISA người ta thấy được tinh thần của những chiến binh, nhìn thấy những con người tận tâm và gắn bó qua nhiều năm tháng. Ở họ, đôi mắt vẫn lấp lánh mỗi khi nhắc về công ty với tình yêu và niềm tự hào sâu sắc. 

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long kể lại câu chuyện về “tinh thần chiến binh MISA” được bắt nguồn từ năm 1994, trong bối cảnh nền công nghệ thông tin nước nhà chưa phát triển. Khi đó, MISA khởi nghiệp cũng không có được điều kiện thuận lợi về tài chính, công nghệ, nhân lực nhưng lại phải đặt mình trong một thách thức lớn, đó là làm thế nào để tạo ra được một sản phẩm tốt, sáng tạo, không kém gì các sản phẩm của các nước phương Tây – nơi có nền tảng công nghệ và năng lực tài chính rất mạnh. 

Vào lúc đó, chính tinh thần chiến binh đã cho đội ngũ MISA một ý chí để không bỏ cuộc. Người MISA giống như người chiến sĩ ra mặt trận, không thể thấy khó rồi bỏ cuộc mà chỉ có một con đường là chiến đấu và chiến thắng. Tinh thần chiến binh mang đến cho đội ngũ MISA ý chí mạnh mẽ, không bao giờ lùi bước trước khó khăn. 

Không nhiều công ty phần mềm có sản phẩm thực sự hữu ích, thành công được khách hàng thừa nhận ở Việt Nam. Khi MISA khởi nghiệp thì cũng có hàng trăm công ty khác cùng khởi nghiệp, nhưng vì thị trường khó khăn, cho đến bây giờ, số công ty hoạt động chỉ còn lại rất ít. Chỉ những ai có được tinh thần mạnh mẽ của chiến binh, dù mệt mỏi vẫn không bỏ cuộc, làm được những điều tưởng chừng bất khả thi thì mới tồn tại. Mặc dù không hề dễ dàng, nhưng với tinh thần chiến binh như vậy thì MISA may mắn giữ được vị thế dẫn đầu trong mảng này suốt 30 năm qua” – ông Long tự hào chia sẻ. 

MISA quan niệm về văn hóa làm sản phẩm là quá trình xây dựng, cải tiến sản phẩm phải lấy nhu cầu của xã hội, của khách hàng làm trọng tâm và tập trung giải quyết dứt điểm bài toán của khách hàng. Hơn thế nữa, văn hóa đó thôi thúc đội ngũ làm sản phẩm phải luôn trăn trở để làm ra sản phẩm vượt mong đợi của người dùng về năng suất, chất lượng với giá thành thấp nhất để tiết kiệm chi phí đầu tư cho khách hàng.

Tương tự, trong văn hóa phục vụ, MISA chọn “lấy khách hàng làm trung tâm” và “lấy sự hài lòng của khách hàng làm thước đo để sửa mình”.

Ông Lữ Thành Long chia sẻ về nguyên tắc được quyết liệt triển khai trên toàn hệ thống trong nhiều năm qua: “tại MISA, nếu khách hàng hài lòng, thì có nghĩa là mình làm đúng. Nếu khách hàng chưa hài lòng thì có nghĩa là mình cần phải thay đổi điều gì đó. Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh suốt 30 năm qua, không phải lúc nào MISA cũng làm hài lòng tất cả khách hàng. Nhưng bất kể khi nào khách hàng không hài lòng thì với quan niệm về văn hóa trên, MISA thấy rằng tổ chức mình phải thay đổi, phải cải tiến để phục vụ khách hàng tốt hơn. Theo thời gian, hoạt động của hệ thống càng hướng tới tiêu chuẩn cao hơn trong phục vụ khách hàng”.

Theo cách như vậy, mỗi lần phát hiện ra các vấn đề chưa tốt thì chính là cơ hội để doanh nghiệp hoàn thiện mình tốt hơn chứ không phải là tệ đi. Với ông Long, nói ra thì rất đơn giản nhưng nếu không có kim chỉ nam đó thì thì rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị lạc lối. 

Vậy, văn hóa doanh nghiệp nên xây dựng từ khi nào? “Văn hóa cần xây dựng từ lúc doanh nghiệp còn nhỏ vì nền tảng đó giúp cho doanh nghiệp phát triển” – nhà lãnh đạo cao nhất MISA khẳng định, từ niềm tin và tự hào về thành quả mà MISA đã gây dựng trên góc độ văn hóa doanh nghiệp, với cái gốc là “Phụng sự xã hội”.

—————————-

Bài viết này nằm trong dự án MISA Inspirers – series nội dung chia sẻ bài học kinh nghiệm 30 năm khởi nghiệp & quản trị doanh nghiệp của MISA, giúp truyền cảm hứng cho thế hệ doanh nghiệp SMEs và Startups.